Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được xem là một trong những định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Phát triển ngân hàng số, trở thành ngân hàng số hàng đầu là mục tiêu chủ yếu của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các ngân hàng ngày càng đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng số, đồng thời người dân cũng ưu tiên lựa chọn kênh số hóa và nhận thức được nhiều tiện ích của ngân hàng số mang lại. Trong chương trình Dòng chảy kinh tế phát sóng trên Ban Thời sự VOV1, TS. Lưu Ngọc Hiệp - giảng viên Bộ môn Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã đưa ra những nhận định về thực trạng, triển vọng cũng như đề xuất các khuyến nghị nhằm tạo nền tảng để ngân hàng số có thể phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong tương lai gần.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt với các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi, các ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Cụ thể, theo TS. Lưu Ngọc Hiệp, xu thế ngân hàng số đang phát triển mạnh mẽ khi hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ và nền tảng số, hợp tác với các công ty Fintech nhằm số hóa các quy trình và dịch vụ sẵn có để cung cấp các dịch vụ trên nền tảng số cho khách hàng. Những công nghệ này có thể kể đến như: Xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt), mã hóa thông tin thẻ (tokenization), ứng dụng học máy, trí thông minh nhân tạo…
Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến sự ra đời của các ngân hàng số được phát triển hoặc bảo trợ bởi các ngân hàng truyền thống như: Tnex, Timo, Cake, OMNI hay Yolo… Các ngân hàng số này tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến, với đặc thù không có chi nhánh, không có phòng giao dịch…
Theo báo cáo gần đây của hãng McKinsey & Company, Việt Nam đang trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển thị trường ngân hàng số cao nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy: Khoảng 95% tổ chức tín dụng đã có hoặc đang trong quá trình xây dựng chiến lược chuyển đổi số; khoảng 80 tổ chức tín dụng đã cung ứng dịch vụ Internet banking và 44 tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ Mobile banking; toàn thị trường hiện có hơn 90.000 điểm thanh toán QR. Đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2021, hơn 36 triệu tỷ đồng đã được giao dịch qua Internet và di động, trong đó thanh toán qua kênh Internet đạt hơn 435 triệu giao dịch, với giá trị gần 23 triệu tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với mức tăng hơn 54% về số lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Thanh toán qua kênh điện thoại di động cũng tăng tới gần 75% về số lượng và 94% về giá trị. Qua đó có thể thấy ngân hàng số đang là xu hướng hiện nay khi mà sự phát triển của nó đem lại nhiều lợi ích cho người dùng cũng như bản thân các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, theo TS. Lưu Ngọc Hiệp, cũng phải nhìn nhận rằng hiện nay vẫn có một số tồn đọng như: Việc mất sóng, nghẽn mạng còn xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của ngân hàng cũng như tâm lý khách khàng; một số dịch vụ ngân hàng thuần số vẫn chưa được nhiều người biết đến; một số sản phẩm trên nền tảng số vẫn còn rời rạc, chưa có sự thống nhất các sản phẩm thành một dịch vụ hỗ trợ tổng thể; vẫn còn những kẽ hở bảo mật cũng như khuôn khổ pháp lý liên quan chưa được hoàn thiện…
Phần trao đổi của TS. Lưu Ngọc Hiệp tại Đài tiếng nói Việt Nam, ngày 14/3/2022
Đánh giá triển vọng, TS. Lưu Ngọc Hiệp cho rằng ngân hàng số ở Việt Nam đầy tiềm năng và có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố, gồm cơ sở hạ tầng, cơ cấu dân số, thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng như sự quyết tâm của cơ quan quản lý.
Thứ nhất, về cơ sở hạ tầng: Trong các năm qua, cơ sở hạ tầng Internet - viễn thông của Việt Nam đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Đến nay, mạng 5G đã được triển khai thử nghiệm, mạng 4G đã phủ sóng tới gần 100% dân số, mạng cáp quang đã phủ đến 100% xã, phường. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho thanh toán số cũng đã phát triển mạnh mạnh mẽ: Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng qua Internet mỗi ngày; Tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch trên Mobile banking tại Việt Nam đạt 200%; Giá trị giao dịch với riêng kênh điện thoại di động đạt khoảng 300 nghìn tỷ đồng/ngày. Hạ tầng dữ liệu nhìn chung đã khá sẵn sàng và trong quá trình triển khai tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bên cạnh đó, một dấu hiệu tích cực nữa là Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có số lượng sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới, với trên 63% dân số sở hữu điện thoại thông minh và hơn 70% dân số sử dụng Internet. Đây là nền tảng cho hội nhập kinh tế số nói chung và phát triển ngân hàng số nói riêng.
Thứ hai, về cơ cấu dân số: Việt Nam có hơn 97 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm gần 70% - đây được coi là thị trường đầy tiềm năng cho phát triển ngân hàng số bởi thế hệ trẻ là động lực thúc đẩy doanh thu cho lĩnh vực ngân hàng số, họ có sự hiểu biết và nhanh nhạy về mặt công nghệ, đại diện cho các mẫu hình mua sắm khác nhau.
Thứ ba, về thói quen sử dụng ngân hàng: Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 70% người dân chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính, chưa có tài khoản ngân hàng. Có tới 26% các giao dịch bằng tiền mặt trong khi tỷ lệ phổ cập Internet của người dân Việt Nam lên tới 66%. Điều này thể hiện vẫn còn nhiều “room” để dịch vụ ngân hàng số phát triển. Cũng phải nhìn nhận rằng đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt đã tăng trưởng đột biến trong thời gian vừa qua. Người Việt ngày càng có nhiều thiện cảm đối với thanh toán không tiền mặt. Số liệu khảo năm vừa qua cho thấy 85% người dùng dịch vụ ngân hàng có xu hướng sử dụng dịch vụ ngân hàng số nhiều hơn so với 18 tháng trước đó
Thứ tư, định hướng và sự quyết tâm của các cơ quan quản lý: Nhà nước đã ban hành nhiều quyết định, đề án giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại ngân hàng, điển hình như: Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; Quyết định 810/QĐ-NHNN ban hành ngày 11/05/2021 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định các mục tiêu cụ thể: Ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; Ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; Ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số…
Để tạo nền tảng để ngân hàng số có thể phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong tương lai gần, TS. Lưu Ngọc Hiệp đề xuất một số khuyến nghị sau:
Thứ nhất, đối với các tổ chức tài chính:
- Việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ, sản phẩm và con người luôn là điều cần thiết. Cần chú trọng xây dựng các sản phầm thành một dịch vụ hỗ trợ đồng bộ tổng thể và qua đó tăng tính hiệu quả của dịch vụ, giảm chi phí cũng như băn khoăn của người dùng.
- Đẩy mạnh xây dụng các điểm chấp nhận thanh toán điện tử trên toàn quốc.
- Xây dựng hệ thống thanh toán hóa đơn điện tử tập trung và kết nối liên thông tới toàn bộ cơ quan thuế.
- Đẩy mạnh marketing truyền thông, tăng cường vai trò của các chi nhánh trong việc giao tiếp và quảng bá giới thiệu dịch vụ ngân hàng số đến với khách hàng
- Ban hành, áp dụng nghiêm ngặt các quy chế tuân thủ bảo mật thông tin dữ liệu của khách khàng.
Thứ hai, đối với cơ quan chức năng, bao gồm Ngân hàng Nhà nước:
- Cần thực hiện rà soát, ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngân hàng, chẳng hạn: Quy định về hoạt động vay và cho vay thực hiện bằng phương thức điện tử; Nghiên cứu xây dựng đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương; Chú trọng quy định về bảo mật thông tin của khách hàng trên môi trường Internet…
- Sớm đánh giá hiệu quả thí điểm dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông trong thanh toán dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
- Song hành cùng với điều đó là đẩy mạnh phát triển hạ tầng số theo hướng hiện đại hóa, nâng cao khả năng kết nối, liên thông. Cụ thể là cho phép kết nối với các cơ sở dữ liệu lớn như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp…; Tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ với chi phí hợp lý.
- Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên quan và các đơn vị cung cấp dịch vụ ngân hàng số cần chú trọng việc truyền thông và nâng cao nhận thức kiến thức của người dùng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng số.